Bitcoin được gọi là tiền bẩn

Bitcoin được gọi là tiền bẩn

Việc khai thác Bitcoin đang tiêu thụ lượng điện tương đương một quốc gia ở châu Âu và thải ra lượng carbon lớn nên nhiều người gọi đây là "tiền số bẩn".

Bên hồ Seneca ở ngoại ô New York, một công ty tư nhân đã mua lại một nhà máy điện than ngừng hoạt động và chuyển sang dùng khí đốt tự nhiên. Sau đó, nơi này "sáng đèn" theo cách doanh nghiệp mô tả là "nhà máy điện - hỗn hợp khai thác tiền điện tử".

Greenidge Generation Holdings, công ty đứng sau nhà máy, dự kiến ra mắt công chúng vào cuối năm nay với hy vọng trở thành "công ty khai thác Bitcoin duy nhất được niêm yết công khai tại Mỹ với nguồn điện của riêng mình". Trong tài liệu thuyết trình với nhà đầu tư, công ty cho biết hệ thống khí đốt của họ có thể khai thác một Bitcoin với giá 3.000 USD. Dù giá đồng tiền này có giảm đến 40.000 USD, họ vẫn có được khoản lời khổng lồ. Họ cũng đang tìm cách mua thêm các nhà máy điện và mở rộng quy mô hoạt động.

Trái với bức tranh lợi nhuận mà Greenidge Generation vẽ ra, các nhà hoạt động môi trường đang lo ngại về lượng khí carbon sẽ bị thải ra môi trường từ hoạt động khai thác tiền điện tử ở đây. Tuy nhiên, tiếng nói của các nhà hoạt động chưa thật sự tác động lớn đến thị trường tiền điện tử, cho đến khi Elon Musk thông báo Tesla sẽ không chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin do lo ngại các vấn đề về môi trường."Trên nhiều phương diện, tiền điện tử là ý tưởng hay và chúng tôi tin rằng nó có một tương lai đầy hứa hẹn. Nhưng điều này không thể đi kèm với cái giá quá đắt đối với môi trường", Musk nói. Tuyên bố này đã tạo ra một làn sóng tranh cãi lớn trong cộng đồng thợ đào và các nhà đầu tư tiền điện tử.

Với các nhà nghiên cứu, Musk chỉ đơn giản là nói ra sự thật. Giáo sư Brian Lucey tại Đại học Trinity College Dublin cho biết: "Chỉ riêng việc đào Bitcoin đã tiêu thụ số điện tương đương một quốc gia châu Âu có quy mô trung bình. Đó là việc kinh doanh bẩn thỉu. Bitcoin là một loại tiền số bẩn thỉu", Financial Times dẫn lời giáo sư Lucey.

Không chỉ Trung Quốc, các cơ quan kinh tế châu Âu cũng bắt đầu lưu ý đến vấn đề này. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã mô tả "lượng khí thải carbon cắt cổ" từ hoạt động khai thác tiền điện tử là "báo động đáng lo ngại". Ngân hàng trung ương của Italy cho biết, vào năm 2019, việc thanh toán bằng đồng Euro, Tips có lượng khí thải carbon nhỏ hơn 40.000 lần so với Bitcoin. Tính toán mới nhất từ chỉ số Tiêu thụ điện Bitcoin của Đại học Cambridge trong năm 2020 cho thấy hoạt động khai thác Bitcoin tiêu thụ 133,68 terawatt điện mỗi năm, tương đương mức tiêu thụ điện của Thuỵ Điển (131,8 TWh), Malaysia (147,21 TWh).

Tuy nhiên, đây chỉ là phép tính cơ bản. Trong trường hợp Bitcoin tăng giá, thu hút nhiều thợ đào hơn, thuật toán khó hơn, mức tiêu thụ điện năng và khí thải carbon sẽ cao hơn nhiều.

Khoảng 65% hoạt động khai thác tiền điện tử đến từ Trung Quốc, nơi than đá chiếm khoảng 60% lượng nhiên liệu truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu mới cho thấy thợ mỏ Trung Quốc đang chuyển qua dùng thuỷ điện để khai thác Bitcoin, thay vì than đá hoặc dầu mỏ. Việc dùng năng lượng tái tạo có thể giúp hạn chế khí thải ra môi trường, nhưng lại đe doạ nguồn điện chung của người dân.

Về lý thuyết, có thể có một phiên bản Bitcoin xanh hơn. Mã của Bitcoin có thể chuyển sang cơ chế đồng thuận ít tiêu tốn năng lượng hơn, theo đó, một phần mới của sổ cái Blockchain làm cơ sở cho tiền điện tử sẽ tuân theo các quy tắc khác nhau. Tuy nhiên, cộng đồng khai thác Bitcoin đánh giá ý tưởng này gần như không khả thi vì thợ đào sẽ phải chuyển hướng khai thác sang một nền tảng mới.

Một số ý tưởng khác cho rằng có thể dán nhãn từng Bitcoin là sạch hay bẩn tùy thuộc vào năng lượng được sử dụng để khai thác chúng. Tiến sĩ Larisa Yarovaya, giảng viên tại Đại học Southampton, cho biết "Bitcoin có thể là phiên bản kém hiệu quả đầu tiên của một công nghệ đột phá. Nó nên dừng lại vì lợi ích chung của hành tinh và cần được thay thế bởi một mô hình mới, ít tiêu tốn nhiên liệu hơn".

Liên Hợp Quốc cũng đang tìm cách ngăn chặn quá trình biến đổi khí hậu do tác động của tiền điện tử bằng cách hỗ trợ sáng kiến "Hiệp ước khí hậu tiền điện tử" do Viện Rocky Mountain dẫn đầu. Sáng kiến này không làm chậm sự đổi mới trong lĩnh vực tài chính số mà để đảm bảo các dự án blockchain trong tương lai tiêu thụ ít điện năng hơn.

Leave a Reply

* Name:
* E-mail: (Not Published)
   Website: (Site url withhttp://)
* Comment:
Type Code