Sau báo cáo vào tuần trước, Google giờ đây đã chính thức xác nhận các tính năng này hiện được triển khai đến người dùng iPhone và CarPlay trên phạm vi toàn cầu. Trong thực tế đây không phải là một tính năng mới bởi người dùng Android đã nhận được khả năng này của Google Maps trong một thời gian, cụ thể là vào năm 2019 trước khi công ty mở rộng phạm vi trong hơn 40 quốc gia.
Như tên gọi của nó, tính năng đồng hồ tốc độ trong Google Maps nhằm mục đích cung cấp cho người dùng ý tưởng về tốc độ họ đang lái xe. Khi ở trên một phương tiện đang di chuyển, tính năng này sẽ hiển thị tốc độ lái xe gần đúng dựa trên dữ liệu định vị, vì vậy Google lưu ý với người dùng rằng các con số hiển thị có thể không đúng với thực tế, có nghĩa dữ liệu chỉ mang tính chất tham khảo và người dùng nên dựa vào đồng hồ tốc độ của xe để xác nhận tốc độ thực tế.
Mặt khác, tính năng giới hạn tốc độ hiển thị mức giới hạn tốc độ áp dụng trên đường người dùng đang lái xe và đổi màu để cảnh báo họ nếu nó phát hiện người dùng đang vượt quá ngưỡng hợp pháp. Tuy nhiên, tính năng giới hạn tốc độ có thể không có sẵn ở tất cả các địa điểm.
Để kích hoạt tính năng này, người dùng hãy mở Google Maps trên iPhone, chạm vào biểu tượng ảnh hồ sơ ở góc trên bên phải > Cài đặt > Điều hướng. Tại đây, cuộn xuống và bật nút chuyển đổi trong phần Hiển thị giới hạn tốc độ và Hiển thị đồng hồ tốc độ.
Lưu ý: Nếu không thấy lựa chọn này, người dùng có thể thử vào App Store để cập nhật phiên bản mới nhất cho Google Maps. Ngoài ra, tính năng hiện được triển khai dần nên có thể người dùng phải chờ thêm một thời gian.
Giới hạn tốc độ trong Google Maps có thể hữu ích nếu người dùng lái xe trên một con đường lạ hoặc trong thời tiết xấu, nơi biển báo đường bộ không rõ ràng. Nếu đang tự hỏi làm thế nào Google biết được giới hạn tốc độ ở một khu vực cụ thể, thì câu trả lời là công ty có nhiều cách để làm điều này.
Đầu tiên, dịch vụ lấy dữ liệu từ các cơ quan chính quyền địa phương để xác định giới hạn tốc độ trong một khu vực. Để bù đắp cho việc thiếu thông tin và các sắc thái khác, Google sử dụng sự kết hợp của trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm phân tích dữ liệu hình ảnh từ Street View và bên thứ ba. Ví dụ, biển báo ở Mỹ có thể ghi “giới hạn tốc độ”, trong khi biển báo ở Việt Nam sẽ hiển thị số. Khi AI xác định được biển báo, chúng sử dụng thông tin GPS từ hình ảnh để khớp với vị trí địa lý chính xác của biển báo để biết chính xác thời điểm thay đổi giới hạn tốc độ hiển thị trên suốt tuyến đường.
Google cũng phân tích xu hướng giao thông theo các khoảng thời gian đều đặn để biết liệu có thay đổi về giới hạn tốc độ ở một khu vực cụ thể hay không và cập nhật dữ liệu sau khi tham chiếu chéo từ các nguồn khác. Không chỉ Google Maps, dữ liệu giới hạn tốc độ có thể hỗ trợ các công nghệ khác. Ví dụ, xe tự lái và các tính năng hỗ trợ lái xe cần biết giới hạn tốc độ để xử lý một cách chính xác.
(theo báo Thanh Niên )