Xác thực sinh trắc học giúp phòng tránh lừa đảo giao dịch qua ngân hàng

“Tấm khiên” bảo vệ khách hàng

Từ ngày 1.7.2024, Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng chính thức đi vào cuộc sống. Nhiều ngân hàng đã sẵn sàng cho mốc thời gian này.

Tại MB, việc chuyển tiền có xác nhận sinh trắc học bằng khuôn mặt đã được triển khai tới khách hàng từ đầu năm 2024. Theo ngân hàng này, tính đến giữa tháng 6.2024 có khoảng 1,3 triệu khách hàng đã áp dụng chuyển tiền có sử dụng dữ liệu khuôn mặt được thu thập và lưu giữ tại MB. Có thể nói, quyết định này đặc biệt hữu ích trong việc bổ sung một lớp bảo mật quan trọng cho khách hàng trước bối cảnh các vụ gian lận và lừa đảo giao dịch có dấu hiệu tăng cao.

Xác thực sinh trắc học giúp phòng tránh lừa đảo giao dịch qua ngân hàng- Ảnh 1.

Xác thực sinh trắc học là giải pháp bảo vệ khách hàng với các giao dịch chuyển tiền lớn

CTV

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Giám đốc kỹ thuật NCS cho rằng, mục đích của việc phải xác thực khuôn mặt là đảm bảo chính chủ đang thực hiện giao dịch. Giải pháp xác thực sinh trắc học sẽ được thực hiện dựa trên sự so khớp giữa thông tin sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học được lưu trong chip của thẻ CCCD do cơ quan công an cấp hoặc thông qua xác thực tài khoản định danh điện tử của khách hàng do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập (VNeID). Điều này sẽ loại bỏ được tài khoản ảo, tài khoản rác, tài khoản thuê-mượn, đồng thời buộc các đối tượng lừa đảo phải sử dụng tài khoản chính chủ, do chính mình lập ra. Khi xác thực sinh trắc học, cơ quan công an sẽ nhanh chóng xác định được danh tính của chủ tài khoản vi phạm qua đối chiếu với thông tin trên CCCD gắn chip.

Xác thực sinh trắc học khi chuyển khoản là như thế nào?

Ở góc độ doanh nghiệp công nghệ cung cấp giải pháp, ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Nền tảng Định danh và Xác thực điện tử VNPT cho biết, nhờ ứng dụng các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến, giải pháp xác thực sinh trắc học có khả năng phát hiện và loại bỏ hàng triệu trường hợp giả mạo tinh vi từ mặt nạ 2D, mặt nạ silicon, video deepfake đến kỹ thuật cắt ghép, hóa trang. Nền tảng của doanh nghiệp cũng liên tục được nâng cấp để chống lại các hình thức lừa đảo mới và sẵn sàng đối phó với những trường hợp gian lận sinh trắc học phức tạp.

Phân tích về hiệu quả của giải pháp sinh trắc học trong việc chống lừa đảo, giả mạo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước mô tả, trong trường hợp khi kẻ gian lấy được thông tin khách hàng để lừa đảo thì không thể chuyển tiền được, ngân hàng không chỉ yêu cầu về OTP mà còn bắt buộc phải xác thực khuôn mặt. Do kẻ gian không có xác thực khuôn mặt nên không thể so sánh với khuôn mặt trên hồ sơ gốc của ngân hàng, chính vì thế không thể thực hiện được lệnh chuyển tiền.

Mặt khác, khi chiếm đoạt thông tin khách hàng, kẻ gian thường cài đặt sang một máy khác để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Nhưng khi chúng thực hiện bước chuyển sang máy khác, các ngân hàng sẽ yêu cầu xác thực sinh trắc học để cài đặt ứng dụng, kẻ gian cũng sẽ không thực hiện được. Ở một trường hợp khác, khi thực hiện giao dịch chủ tài khoản phải vào xác thực khuôn mặt, vì thế người đi thuê tài khoản không thể sử dụng được tài khoản cho thuê.

Như vậy, có thể thấy rằng, xác thực sinh trắc học khách hàng đang là giải pháp công nghệ bảo vệ cho khách hàng tốt nhất. Đây cũng là bước đầu tiên thực hiện theo lộ trình để tiến tới nâng cao công nghệ bảo mật trong tương lai của ngành ngân hàng.

Dễ làm, dễ thực hiện

Tại Việt Nam, việc thu thập, xác thực sinh trắc học bước đầu có thể gặp chút ít trở ngại do khách hàng chưa hiểu biết ở khâu cập nhật, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD. Nhóm khách hàng này chủ yếu là người già, người dân vùng sâu vùng xa hoặc người ít tiếp xúc, ít am hiểu công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay, gần như tất cả các ngân hàng đều đã truyền thông, hướng dẫn chi tiết, cụ thể tới khách hàng các bước thực hiện cung cấp dữ liệu sinh trắc học trên app (ứng dụng) của các ngân hàng.

Ông Mai Huy Phương, Phó giám đốc khối Ngân hàng số MB chia sẻ, với phương thức xác thực khuôn mặt này, khách hàng chỉ mất thêm vài giây để xác thực cho giao dịch nhưng lại đảm bảo chỉ có cá nhân chính chủ mới có thể thực hiện được thao tác chuyển tiền. Đây là “tuyến phòng thủ” bổ sung quan trọng ngoài mật khẩu và Digital OTP, giúp khách hàng của chúng tôi hoàn toàn yên tâm ngay cả khi bị mất thiết bị.

Đến nay, MB đã có 93,3% giao dịch xác thực khuôn mặt thành công. Số ít khách hàng không thực hiện được online đều được hỗ trợ hoàn thành tại quầy. Theo ông Phương, ứng dụng MBBank có thể ngăn chặn các đối tượng lừa đảo, kể cả khi sử dụng công nghệ deepfake nhờ phát hiện các khuôn mặt không đúng với khuôn mặt người đăng ký, đồng thời cũng từ chối nhận diện các trường hợp đeo khẩu trang, che mặt, đeo kính râm, hay các hành động cố tình không để lộ rõ khuôn mặt khi xác thực giao dịch.

Theo quy định của pháp luật, mọi thông tin dữ liệu sinh trắc học của khách hàng đều được ngân hàng bảo mật tuyệt đối. Bên cạnh việc thực hiện giao dịch có nhiều lớp bảo mật theo quy định và lưu ý các cảnh báo nhận diện các giao dịch giả mạo, lừa đảo, khách hàng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và thẻ ngân hàng.

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hiện có khoảng 90% các khoản chuyển tiền liên ngân hàng là dưới 10 triệu đồng, chỉ 10% là chuyển trên 10 triệu đồng. Như vậy, mức độ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng là không lớn, chưa kể khi thực hiện giao dịch chuyển tiền thì chỉ cần đưa khuôn mặt vào và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản, với tình hình ứng dụng công nghệ hiện nay của các tổ chức tín dụng, việc này chỉ cần khoảng thời gian 3 – 5 giây.


(theo báo Thanh Niên )

hi_INHindi