Kẻ gian lừa bán điện thoại 4G giả trên mạng

Từ ngày 15.9, các nhà mạng di động tại Việt Nam sẽ tắt sóng 2G, do đó những máy điện thoại 2G Only sẽ không thể sử dụng tiếp, buộc người dùng chuyển sang các thế hệ điện thoại mới hơn có hỗ trợ công nghệ mạng 3G, 4G, 5G. Lợi dụng lộ trình này, nhiều kẻ cơ hội đã bán các loại điện thoại 4G giả với giá chưa đến 500.000 đồng, nhưng thực chất là các máy 2G.

Để tiếp cận được nhiều người dùng hơn, các đối tượng này thường sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là Facebook – nền tảng phổ biến hàng đầu tại Việt Nam. Để tạo thêm sự thôi thúc cho người dùng, ngoài giá rẻ, những kẻ này thường lấy lý do số lượng máy còn rất ít, nguồn hàng hạn chế, giá đang lên cao… Với tâm lý lo lắng không có điện thoại 4G cơ bản để sử dụng sau khi tắt sóng 2G, nạn nhân sẽ dễ dàng sập bẫy.

Nhiều mẫu điện thoại 4G trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng được rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ

Nhiều mẫu điện thoại 4G trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chất lượng được rao bán trên mạng xã hội với giá rẻ

Anh Quân

Theo khảo sát của Thanh Niên, chỉ cần tìm với từ khóa như “điện thoại 4G”, “điện thoại cơ bản có 4G” trên Facebook sẽ ra nhiều bài đăng của các cá nhân, hoặc trong những hội nhóm với “công thức” chung là nguồn hàng đang khan hiếm, giá điện thoại tăng cao, “không có để nhập thêm” hoặc sắp hết hàng… Đáng chú ý, lẫn trong đó là rất nhiều điện thoại thương hiệu lạ, không được phân phối chính thức tại Việt Nam.

“Giống như các loại điện thoại cơ bản 2G Only trôi nổi từng bán trước đây, các điện thoại 4G không rõ nguồn gốc thường là hàng xách tay, chủ yếu từ Trung Quốc, giá bán rất rẻ và chất lượng không ổn định. Do vậy, người dùng không nên mua các sản phẩm này để tránh phiền phức khi xảy ra lỗi, bởi có sự cố xảy ra cũng khó tìm nơi sửa chữa và chẳng có bảo hành”, một chuyên gia tư vấn.

Theo ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện hệ thống Viettel Store, hiện nay nhiều khách hàng lo lắng trước việc sẽ cắt sóng 2G sắp tới nên đã vội vàng mua phải các sản phẩm trôi nổi với lời mời chào hỗ trợ 4G giá rẻ, nhưng thực chất phần cứng của những sản phẩm này chỉ hỗ trợ 2G. Để tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, ông Khuê khuyến cáo người dùng nên đến các cửa hàng chính hãng, chuỗi hoặc hệ thống bán lẻ có uy tín để đảm bảo quyền lợi sau bán hàng.

“Điện thoại 4G chính hãng, bán tại hệ thống uy tín giá chỉ từ 390.000 đồng và rất nhiều điện thoại Nokia phổ thông 4G có bàn phím giá dưới 1 triệu đồng giúp khách hàng không cần dùng smartphone vẫn có nhiều lựa chọn để nâng cấp, tiếp tục kết nối liên lạc sau khi sóng 2G đã tắt”, ông Khuê nói.

Ngoài điện thoại cơ bản có 4G, người dùng có thể chọn smartphone 4G ở phân khúc giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu kết nối và sử dụng các dịch vụ số

Ngoài điện thoại cơ bản có 4G, người dùng có thể chọn smartphone 4G ở phân khúc giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu kết nối và sử dụng các dịch vụ số

Anh Quân

Từ phía cơ quan quản lý, mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cũng cảnh báo việc lừa đảo bán máy điện thoại 4G giả có dấu hiệu xuất hiện nhiều trên mạng xã hội, đồng thời khuyến cáo người dân nên tránh mua dù những thiết bị này có mức giá rẻ. Trường hợp nghi bị lừa đảo, người dân cần báo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ và ngăn chặn.

Do các điện thoại cơ bản khó phân biệt giữa loại chỉ sử dụng 2G và loại có 4G, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân chọn các địa chỉ uy tín để mua máy, không nên mua sản phẩm trôi nổi trên mạng. Hiện nay, có nhiều hệ thống bán lẻ di động uy tín vẫn còn sẵn điện thoại 4G cơ bản với phím bấm truyền thống để phục vụ nhu cầu của thị trường như Thế giới Di động, FPT Shop, CellphoneS, Viettel Store, Hoàng Hà Mobile… Các sản phẩm này đều được đảm bảo 100% phân phối chính hãng, có giấy tờ, hóa đơn đầy đủ, được hỗ trợ và bảo hành theo quy định từ nhà sản xuất.


(theo báo Thanh Niên )

es_ESSpanish