Sự ra đời kỳ lạ của phần mềm tống tiền

Sự ra đời kỳ lạ của phần mềm tống tiền

Tháng 12/1989, khi Eddy Willems cho đĩa mềm vào ổ, máy tính của ông bị khóa kèm thông báo đòi số tiền chuộc 189 USD.

Khi đó, Willems đang làm việc cho một công ty bảo hiểm ở Bỉ. Đĩa mềm này là một trong số 20.000 chiếc được gửi qua đường bưu điện cho những người tham dự hội nghị AIDS của Tổ chức Y tế Thế giới ở Stockholm. Ông chủ của Willems yêu cầu ông mở ra xem trên đó có nội dung gì.

Willems tưởng sẽ đọc được các nghiên cứu y tế. Thay vào đó, ông trở thành một trong những nạn nhân đầu tiên của ransomware - mã độc tống tiền. Vài ngày sau khi cho đĩa vào ổ, máy tính của Willems bị khóa và một thông báo xuất hiện, yêu cầu ông gửi 189 USD một hòm thư bưu điện ở Panama.

"Tôi không trả tiền chuộc hay mất bất kỳ dữ liệu nào vì tôi đã tìm ra cách để đảo ngược tình thế", ông kể lại với CNN Business.

Eddy Willems và chiếc đĩa mềm chứa mã độc tống tiền đầu tiên trên thế giới. Ảnh: CNN.

Các đĩa mềm đã được gửi đến hàng loạt địa chỉ trên khắp thế giới. Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ phát hiện hộp thư bưu điện này thuộc sở hữu của một nhà sinh học tiến hóa và từng học tại Harvard tên là Joseph Popp, người đang nghiên cứu bệnh AIDS thời điểm đó.

Willems, hiện là chuyên gia an ninh mạng tại G Data, hãng phát triển giải pháp diệt virus thương mại đầu tiên trên thế giới năm 1987, cho biết: "Tôi nhận được cuộc gọi từ các tổ chức và cơ quan y tế hỏi làm cách nào để vượt qua. Không ít người bị mất nhiều dữ liệu. Đó không phải điều nhỏ nhặt, kể cả ở thời ấy".

Dù virus này là một phần mềm độc hại cơ bản, đây là lần đầu thế giới biết đến khái niệm "tống tiền kỹ thuật số", nhưng không rõ liệu có ai hay tổ chức nào trả tiền chuộc cho vụ tống tiền này không.

Joseph Popp sau đó bị bắt tại sân bay Schiphol ở Amsterdam, đưa trở lại Mỹ và bị buộc tội tống tiền, cũng như được coi là người phát minh ra phần mềm tống tiền.

"Tới giờ, vẫn không ai thực sự biết tại sao Popp lại làm điều này. Chưa kể, việc gửi số đĩa mềm đó đến nhiều người như vậy tốn kém và mất thời gian đến mức nào. Có lẽ có ai đó tham gia cùng. Là một nhà sinh vật học, làm sao ông ấy có tiền trả cho tất cả những chiếc đĩa đó? Không ai biết cả", Willems nói.

Một số báo cáo cho thấy Popp bị WHO từ chối nhận vào làm việc.

Ông được cho là đã khai với các nhà chức trách rằng ông lên kế hoạch sẽ quyên góp tiền chuộc cho các nghiên cứu AIDS. Ông thường đeo bao cao su vào mũi và kẹp râu để chứng tỏ mình không bình thường. Các luật sư của ông cũng cho rằng ông không đủ sức khỏe để hầu tòa. Popp qua đời vào năm 2007.

Sau hơn 30 năm, mã độc tống tiền đã trở nên phổ biến. Bộ Tư pháp Mỹ đánh giá 2020 là "năm tồi tệ nhất bởi các cuộc tấn công ransomware". Giới bảo mật tin ransomware nhắm vào doanh nghiệp và cá nhân sẽ tiếp tục lan rộng vì dễ thực hiện, khó theo dõi và nạn nhân có thể bị buộc phải trả rất nhiều tiền.

Ransomware thường tấn công hệ thống máy tính sau khi ai đó bấm vào liên kết độc hại và vô tình cài đặt phần mềm, hoặc từ một lỗ hổng trên một máy chủ đã lỗi thời. Một trong những vấn đề lớn về mã độc tống tiền hiện nay là tiền chuộc thường được trả bằng tiền điện tử, như Bitcoin, được trao đổi ẩn danh và khó theo dõi.

Sự cố mới nhất liên quan tới ransomware diễn ra đầu tháng 5, khi nhà điều hành đường ống dẫn nhiên liệu hàng đầu Mỹ là Colonial Pipeline phải đóng toàn bộ mạng lưới sau cuộc tấn công mạng. Hệ thống đường ống của Colonial cung cấp nhiên liệu từ các nhà máy lọc dầu tại Duyên hải Vịnh Mexico cho miền đông và miền nam Mỹ. Phần mềm độc hại đã mã hóa dữ liệu và yêu cầu công ty này trả tiền nếu muốn lấy lại quyền truy cập. Colonial cho biết họ phải đóng toàn bộ hệ thống để ngăn mối đe dọa và mời một công ty an ninh mạng tiến hành điều tra.

Trong khi đó, chiếc đĩa mềm chứa virus năm 1989 đã trở thành một phần lịch sử của lĩnh vực bảo mật và được treo trên tường phòng khách của Willems. "Một viện bảo tàng đề nghị tôi bán nó với giá 1.000 USD, nhưng tôi đã quyết định giữ lại", ông nói.

Leave a Reply

* Name:
* E-mail: (Not Published)
   Website: (Site url withhttp://)
* Comment:
Type Code