Những cải tiến đã thay đổi thiết kế của laptop hiện nay

Những cải tiến đã thay đổi thiết kế của laptop hiện nay

Máy tính xách tay (laptop) tại thời điểm hiện tại đã khác biệt rất nhiều so với cách đây khoảng 10 năm, tất nhiên là sự thay đổi và lột xác này ở khía cạnh tích cực và đem lại trải nghiệm sử dụng tốt cho người dùng. Có thể liệt kê ra hàng trăm sự cải tiến nhỏ trên những chiếc laptop, mọi thứ từ phần mềm, linh kiện cho tới thiết kế bên ngoài. Nhưng trong phạm vi bài này mình sẽ đưa ra những sự thay đổi lớn nhất, ảnh hưởng trực tiếp tới cảm xúc của người dùng và có thể thấy được một cách rõ ràng.


Viền màn hình quá dày từ lâu đã là một vấn đề lớn với những nhà sản xuất laptop, có những chiếc laptop viền màn hình quá dày lên tới hơn 1cm và thực sự nhìn mất thẩm mỹ. Thời điểm cách đây 10 năm có thể nó không là vấn đề với người dùng vì viền của máy nào cũng dày như nhau cả, họ chấp nhận chuyện đó và các hãng sản xuất cũng không làm gì cả, không phải họ không làm được nhưng tại thời điểm đó, để thu gọn viền màn hình sẽ làm đội giá thành của những chiếc laptop đó lên quá cao.

Cho đến khi chiếc Dell XPS 13 9343 ra mắt vào năm 2015, người dùng cũng như những nhà sản xuất laptop đã thực sự nhìn thẳng vào vấn đề, viền màn hình mỏng sẽ giúp máy đẹp hơn, nhiều không gian hơn và gọn gàng hơn rất nhiều. Với những chiếc laptop 13.3" viền mỏng sẽ trông chỉ như một chiếc máy 11", còn 15.6 hay thậm chí 17" với viền mỏng cũng làm máy gọn đi đáng kể. Chưa kể sự tác động đến trải nghiệm trực tiếp của người dùng, lúc này họ đòi hỏi nhiều hơn ở một chiếc laptop cao cấp.

Tới thời điểm hiện tại 2021 thì viền màn hình mỏng là thứ bắt buộc phải có trên laptop, nếu nhìn về 10 năm trước thì đây là sự thay đổi quan trọng bậc nhất của laptop từ xưa đến nay. Viền màn hình mỏng đi cũng kéo theo đó sự phát triển của webcam, từ một cụm rất to dần nhỏ lại theo trào lưu viền mỏng và sự xuất hiện của camera hồng ngoại và những tính năng bổ trợ của Windows như Windows Hello.


Cách đây 10 năm hoặc hơn, máy tính được hoàn thiện bằng nhôm chỉ đếm trên đầu ngón tay, nếu xét riêng những chiếc laptop Windows. Nhựa đã tồn tại với loài người quá lâu và nó ảnh hưởng đến tất cả những ngành công nghiệp trên toàn cầu, ngay cả ngành công nghiệp laptop hay smartphone cũng không thoát khỏi. Điện thoại và laptop hoàn thiện bằng nhựa cách đây hơn 10 năm là rất bình thường.
Cho đến khi Apple ra mắt MacBook Pro vào năm 2009 với hoàn thiện hoàn toàn bằng nhôm, nó đã thay đổi hoàn toàn cách người dùng nhìn về hoàn thiện của một chiếc laptop. Mình không chắc rằng Apple MacBook Pro 2009 là chiếc laptop đầu tiên được hoàn thiện bằng nhôm nguyên khối, nhưng nó là chiếc laptop phổ biến đầu tiên được hoàn thiện bằng nhôm và bán rộng rãi ra thị trường. Chính vì cơn sốt của MacBook và cách người dùng bắt đầu định hình về một chiếc laptop cao cấp mà những hãng sản xuất khác bắt đầu thay đổi.

Bây giờ thì laptop hoàn thiện bằng nhôm hoặc thậm chí là full nhôm đã không còn quá xa lạ, nó không còn ở phân khúc cao cấp như trước nữa mà xuống cả phân khúc tầm trung, hay thậm chí những nhà sản xuất họ nghĩ ra những vật liệu cao cấp hơn như carbon, titanium hay vật liệu siêu nhẹ như hợp kim magiesium. Bây giờ laptop nhựa chúng ta chỉ còn thấy ở phân khúc giá rẻ mà thôi. Đó là một sự thay đổi đáng kể của laptop trong 10 năm trở lại đây.

Năm 2012, Lenovo ra mắt chiếc laptop thuộc dòng Yoga là chiếc laptop có khả năng xoay gập 360 độ đầu tiên và đem đến cho cả thị trường laptop một sự mới mẻ hơn so với thiết kế vỏ sò truyền thống. Với khái niệm máy tính xoay gập 360 độ mới đem đến cho người dùng nhiều cách thức sử dụng hơn cho người dùng.

Sau này thế giới laptop sinh ra một khái niệm mới đó là laptop 2-in-1, một sự kết hợp giữa máy tính bảng (tablet) và laptop, như Microsoft Surface Pro. Dòng Surface Pro đã tạo ra một chiếc “laptop mới”, tức là linh kiện, phần cứng cũng như phần mềm nó không khác gì một chiếc laptop, nhưng thân hình là một chiếc tablet, đi kèm với một bàn phím rời để hoạt động giống như một chiếc laptop.

Trào lưu Surface Pro, máy tính lai máy tính bảng đã thôi thúc các hãng ra mắt những thiết bị để cạnh tranh lại với Surface Pro, như HP Spectre x360 14, HP EliteBook X2, Dell XPS 12…

Không cần phải nói quá nhiều về sự cải tiến này, nó quan trọng không kém việc thu gọn viền màn hình của laptop. Trước đây touchpad của laptop Windows chỉ mang tính chất “cho có” mà thôi, tức là có nhưng không thể sử dụng được, phần vì kích thước quá nhỏ của touchpad, phần vì thời điểm đó Microsoft không có bất cứ một giải pháp đồng nhất nào cho touchpad trên Windows, gần như các hãng tự làm driver cho touchpad trên thiết bị của mình, hoặc dựa vào bên thứ ba như Synaptics.

Thời điểm những chiếc Dell XPS hay Razer Blade, HP hay ASUS làm ra những chiếc touchpad đủ ngon, kích thước đủ lớn và hoàn thiện tốt thì người dùng Windows mới dần quen với việc sử dụng touchpad, thay vì chuột ngoài. Cũng phải kể đến việc Microsoft tạo ra driver precision cho các hãng sản xuất laptop để đem lại trải nghiệm touchpad sướng hơn, đã hơn rất nhiều, đồng nhất trong thao tác để đưa touchpad trên Windows gần tiệm cận với MacBook. Trước đó không thể không kể đến sự thay đổi của Apple với MacBook Pro 2016, đem lại một trackpad cực to khổng lồ và công nghệ force touch “vi diệu”.


Đến thời điểm hiện tại, có lẽ điều làm cho những chiếc touchpad của laptop Windows vẫn chưa đạt đến được sự hoàn hảo như MacBook đó là công nghệ force touch bên dưới trackpad của MacBook, nhưng cá nhân mình nghĩ rằng sớm muộn những chiếc laptop Windows cũng phải trang bị cho touchpad của họ nếu muốn đem lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn nữa, muộn còn hơn không.

Màn hình tỉ lệ rộng không phải là cải tiến gì đó quá lớn lao với thế giới laptop, ngày xưa laptop đã từng được trang bị màn hình với tỉ lệ khá vuông là 4:3, sau này với trào lưu giải trí và multi media nên hầu hết những chiếc laptop chuyển qua sử dụng màn hình tỉ lệ 16:9 hoặc thậm chí là 21:9.

Màn hình ti lệ 4:3 hay 3:2 hay 16:10 sẽ thiên về chiều dọc và vì vậy, nó giúp cho trải nghiệm làm việc tốt hơn, nhiều không gian chiều dọc hơn để đọc văn bản, tài liệu hay các bảng tính lớn. Dần dần, để vừa tối ưu cho việc làm việc với văn bản, bảng tính mà vừa tối ưu cho việc giải trí, xem hình ảnh thì các nhà sản xuất đưa một tiêu chuẩn tỉ lệ màn hình mới là 16:10. Việc càng ngày càng có nhiều những chiếc laptop ra mắt với tỉ lệ 16:10, kể cả laptop gaming, đã thực sự cho thấy sự hiệu quả của tỉ lệ màn hình này, nó không quá hẹp về chiều dọc và cũng không quá vuông như 4:3 hay 3:2, vừa đủ để có trải nghiệm tốt với hầu hết các nhu cầu của người dùng cuối.

Rồi 16:9 sẽ dần lùi lại phía sau để nhường chỗ cho 16:10 đa dụng hơn và những nội dung sau này cũng dần sẽ tối ưu hơn cho tỉ lệ mới này vì thực sự nó là một cải tiến đem lại ích lợi, kết hợp với viền màn hình mỏng sẽ cho chúng ta một chiếc laptop đẹp, sexy như hình ở trên anh em thấy.

5 điểm ở trên thôi chúng ta đã thấy thiết kế của laptop đã thay đổi như thế nào trong hơn một thập kỷ vừa qua và sự thật là còn nhiều những cải tiến khác nữa, đem lại cho người dùng những trải nghiệm tốt hơn rất nhiều, so với việc chúng ta phải từng phải chấp nhận những thiết kế thô kệch, hoàn thiện kém của laptop ngày xưa. Laptop trong tương lai còn nhiều thứ để cải tiến và hi vọng 10 năm nữa, khi nhìn lại chúng ta lại thấy một sự thay đổi lớn của ngành công nghiệp này.

Leave a Reply

* Name:
* E-mail: (Not Published)
   Website: (Site url withhttp://)
* Comment:
Type Code